I. MỘT SỐ DẠNG VI PHẠM KHI KÝ KẾT THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG
Trong thực tiễn quá trình ký kết, cũng
như trong quá trình thực hiện hợp đồng luôn nảy sinh những vấn đề rắc rối do
nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho việc ký kết, thực hiện hoặc thanh lý hợp đồng
gặp trở ngại, trường hợp dẫn đến tranh chấp phải đưa đến các cơ quan pháp luật
hoặc cơ quan trọng tài giải quyết. Trong những trường hợp như vậy luôn xảy ra tình
trạng hoặc là vi phạm chính hợp đồng đã ký kết hoặc là vi phạm các quy định pháp
luật về hợp đồng dẫn đến làm hợp đồng vô hiệu.
Dưới đây là một số dạng vi phạm:
1- Các vi phạm của các chủ thể đối với hợp đồng đã giao kết.
Dạng vi phạm hợp đồng này thường được
thể hiện qua các trường hợp và nguyên nhân sau:
a) Không chịu thực hiện hợp đồng hoặc
đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không giải thích rõ lý do cho bên kia (hợp đồng
chưa được bên nào thực hiện).
Trường hợp này thường xảy ra do sau
khi ký kết hợp đồng thì phát hiện mình bị hớ hoặc rơi vào điều kiện không có khả
năng thực hiện hoặc biết rõ là nếu thực hiện thì sẽ bị bất lợi...
b) Không chịu thực hiện nghĩa vụ hợp
đồng mặc dù đã hưởng các quyền lợi từ hợp đồng. Chẳng hạn như vay tiền sau khi
nhận được tiền vay thì sau đó không thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Trường hợp này xảy ra có nhiều nguyên
do như bên thực hiện nghĩa vụ mất khả năng thanh toán (bị thua lỗ, phá sản), cố
ý gian lận kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ để có lợi cho mình hoặc do gian
dối với bên đối tác đẩy phía bên kia vào thế bất lợi, nhiều trường hợp ký kết hợp
đồng là để giải quyết một khó khăn trước mắt nào đó chứ thực sự không có khả năng
thực hiện nghĩa vụ (như vay của người này để trả cho người khác...).
c) Không thực hiện đúng, đầy đủ các
thỏa thuận ghi trong hợp đồng (mặc dù có thực hiện hợp đồng).
Trường hợp này thường xảy ra trong
quá trình thực hiện hợp đồng do lỗi của một hoặc cả hai bên tìm cách thực hiện
theo hướng có lợi cho mình hoặc do hiểu sai nội dung của hợp đồng, nhưng cũng có
thể do một bên gặp khó khăn thực hiện không đúng các yêu cầu về số lượng, thời
gian giao hàng... ngoài ra, nhiều trường hợp do lợi dụng một bên thiếu kinh
nghiệm bên kia tìm cách để thực hiện không đúng nội dung hợp đồng (như viện cớ
hợp đồng ghi không rõ, đổ lỗi khách quan...) đã ký kết.
2- Các vi phạm quy định của pháp luật thường gặp khi ký kết, thực hiện hợp
đồng.
a) Giao kết hợp đồng không đúng đối
tượng chủ thể. Nghĩa là người tham gia giao kết không có tư cách để ký kết hợp đồng
(Ví dụ: Trẻ em tham gia giao dịch dân sự mà không có người giám hộ, người của
pháp nhân ký kết hợp đồng kinh tế nhưng không có giấy ủy quyền của người đại diện
hợp pháp là người đứng đầu pháp nhân đó...).
b) Giao kết hợp đồng không tuân thủ
hình thức hợp đồng đã được pháp luật quy định.
Việc vi phạm thể hiện ở chỗ những hợp
đồng bắt buộc phải làm thành văn bản, phải
công chứng, phải chứng thực nhưng lại không thực hiện đúng.
Ví dụ: Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng
mua bán nhà ở phải làm thành văn bản và phải được công chứng chứng thực nhưng lại
chỉ viết bằng giấy tay.
c) Đối tượng giao kết hợp đồng bị pháp
luật cấm.
Nhiều trường hợp các bên tham gia ký
kết không am hiểu những hàng hóa hoặc các giao dịch bị pháp luật cấm hoặc hạn
chế nên vẫn ký kết dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu.
Ngoài ra, nhiều trường hợp về nội
dung thì hợp pháp nhưng thực chất đối tượng hợp đồng (hàng hóa) lại là bất hợp
pháp do không bảo đảm các giấy tờ hợp pháp (như hàng buôn lậu) hoặc để che giấu
một hoạt động bất hợp pháp (như khai thấp giá mua bán để trốn thuế) cũng bị coi
là vi phạm bất kể các bên có biết rõ thỏa thuận ngầm với nhau hay không.
d) Hợp đồng thể hiện rõ ràng và thiếu
các nội dung cơ bản của hợp đồng này.
Đây là dạng vi phạm khá nhiều do sự
thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bên để lập hợp đồng mà
nội dung của mỗi loại hợp đồng lại không bảo đảm theo quy định của pháp luật về
các nội dung cơ bản của hợp đồng đó, tức là không rõ ràng hoặc thiếu những nội
dung của một hợp đồng.
Ví dụ 1: Hợp đồng mua bán nhưng không
ghi giá mua bán.
Ví dụ 2: Hợp đồng vận chuyển nhưng
không nêu rõ địa điểm lên xuống hàng, thời gian vận chuyển.
Ví dụ 3: Hợp đồng lao động nhưng không
ghi công việc phải làm, mức tiền lương.
đ) Nội dung hợp đồng do các bên ký kết
không bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực.
Trường hợp này xác định do một hoặc
nhiều bên đã có sự lừa dối hoặc có thủ đoạn ép buộc bên kia giao kết với nội dung áp đặt nhằm tạo
lợi thế tuyệt đối cho mình.
Ví dụ: Bên A bán nhà cho Bên B với
giá rất thấp so với giá thực tế để trừ nợ. Trường hợp này Bên B đã lợi dụng khó
khăn, túng quẫn của Bên A để ép giá, gây thiệt thòi cho Bên A.
II. CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ VI PHẠM HỢP ĐỒNG
Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp
đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi, vấn đề là ở chỗ
xử lý như thế nào có lợi nhất cho các bên
hoặc cho bản thân mình bằng các biện pháp thích hợp, phù hợp với pháp luật.
Để có thể xử lý có hiệu quả các vi
phạm hợp đồng khi xảy ra, tùy theo tính chất sự việc, bạn có thể tiến hành một
hoặc các biện pháp sau:
1– Thương lượng – hòa giải
Việc thương lượng – hòa giải nhìn
chung luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp hợp đồng nào
nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Việc thương lượng hòa giải có
thể do các bên chủ động gặp gỡ nhau để giải quyết nhưng nhiều trường hợp phải
do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài thương mại hòa giải.
Nhìn chung việc thương lượng – hòa
giải nếu đạt được kết quả thì sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như không phải nộp
án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp
đồng ... và làm hài lòng các bên tranh chấp.
Thông thường việc thương lượng – hòa
giải chỉ đạt kết quả do thiện chí của các bên và chủ yếu việc vi phạm, tranh chấp
là do nguyên nhân khách quan hoặc vì hiểu lầm hay hiểu không đầy đủ nội dung hợp
đồng.
Một vấn đề cần lưu ý có tính nguyên
tắc là bất kỳ một việc vi phạm hoặc tranh chấp hợp đồng nào cũng cần tiến hành
biện pháp thương lượng – hòa giải trước, bởi vì nếu bỏ qua biện pháp này thì có
nghĩa là bạn đã bỏ qua một cơ hội tốt mà không có một biện pháp nào có thể hiệu
quả hơn.
2– Đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng
Đây là biện pháp bất đắc dĩ sau khi đã
thương lượng hòa giải không được nhưng nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả
xấu hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt
việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm
hợp đồng. Tuy nhiên cũng cần hết sức cân nhắc thận trọng để tránh nóng vội không
cần thiết.
Lưu ý: Trong trường hợp bạn bắt buộc
phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm hợp đồng thì bạn
không phải bồi thường thiệt hại cho họ. Đây cũng được coi là hậu quả mà bên vi
phạm hợp đồng phải gánh chịu.
3– Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết
Nói chung nếu việc tranh chấp xuất
phát từ hợp đồng (dân sự, kinh doanh - thương mại, lao động) mà các bên không tự
giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (chỉ áp dụng
trong trường hợp tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại giải quyết để bảo
vệ quyền lợi cho mình trong thời hạn luật định.
Việc yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài
thương mại giải quyết là biện pháp cần thiết và hữu hiệu khi không còn biện pháp
nào có thể làm thay đổi được tình hình bởi các cơ quan này, nhất là Tòa án, là
các cơ quan có thẩm quyền ra các phán quyết bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp
của bên vi phạm các phán quyết này có hiệu lực pháp lý cao và có tính bắt buộc.
Khi yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương
mại giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng chặt chẽ do pháp luật
quy định đối với từng loại tranh chấp .
4– Yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự
Đây là biện pháp cứng rắn được áp dụng
nếu bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài
sản khi ký kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc
lạm dụng tín nhiệm.
Việc lừa đảo được thể hiện qua thủ đoạn
gian dối với ý định có trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Thông qua việc ký
kết hợp đồng có tính gian dối một bên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của đối
tác.
Đối với việc lạm dụng tín nhiệm thì
các thủ đoạn và ý định chiếm đoạt xảy ra sau khi ký kết hợp đồng hoặc trong quá
trình thực hiện hợp đồng.
Nếu có đủ cơ sở xác định có tội phạm
xảy ra thì các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa ra xét
xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả
lại hoặc bồi thường những tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho người bị hại.